Bệnh viện Nhân Ái được thành lập theo Quyết định: 4856/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2006 của UBND thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Sở Y Tế.       Nâng tầm y đức, dấn thân vì cộng đồng.       Bệnh nhân AIDS đến với bệnh viện sẽ được chăm sóc, điều trị hoàn toàn miễn phí.
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI

Chút cảm nhận về nghị lực sống phi thường của một người bệnh!

Thấm thoát mà đã hơn hai năm trôi qua, kể từ ngày tôi được nhận vào làm điều dưỡng viên của Bệnh viện Nhân Ái. Đây là nơi chăm sóc và điều trị  hoàn toàn miễn phí cho người bệnh nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối.

Suốt khoảng thời gian qua, tôi chưa bao giờ quên được hình ảnh một bệnh  nhân kiên cường mạnh mẽ, chống chọi với căn bệnh thế kỷ mà không hẳn chúng ta sẽ làm được. Đó là bệnh nhân Nguyễn Hoàng Phi Công đang điều trị tại Khoa Săn sóc đặc biệt - Bệnh viện Nhân Ái.

Người thanh niên ấy sinh năm 1983, sống ở TPHCM. Công việc của anh là làm tài xế cho một công ty. Trong một lần giúp bạn bị tai nạn giao thông, anh đã bị nhiễm HIV mà không hề biết. Những điều này tôi được nghe anh kể lại trong các lần chăm sóc vết thương cho anh. Ấn  tượng sâu sắc của tôi về anh đó là đôi chân của anh bị teo nhỏ, hai vết thương sâu rộng, để lộ ra mỏm xương đỏ hỏn bên mông, có một lỗ mở bàng quang thông trực tiếp qua da để đặt ống thông tiểu, mọi sinh hoạt hằng ngày của anh đều diễn  ra trên chiếc giường lỗ ấy.

Ít ai biết rằng anh đã từng là một thanh niên vạm vỡ, khỏe mạnh với những giấc mơ hoài bão xây dựng cuộc sống tươi đẹp. Hằng ngày tôi giúp anh thay băng, tắm gội, thay ống thông tiểu…Đã không ít lần đang thay băng giữa chừng tôi đã phải chạy vào nhà vệ sinh để nôn vì không chịu được mùi thịt thối rữa, anh nhìn tôi với vẻ mặt đồng cảm và anh nói với tôi rằng: “Có lẽ cô chưa quen, vài lần quen ngay thôi cô”. Lần rửa vết thương đầu tiên tôi không dám rửa mạnh tay vì sợ anh đau nhưng anh cười xòa bảo: “Cô cứ làm mạnh tay, tôi không đau đâu!”.

Mặc dù bị liệt không thể đi lại được, nhưng cảm trời phật vì tay vẫn còn hoạt động được. Dường như không muốn chúng tôi vất vả, anh cố gắng làm những việc mà mình có thể làm: anh tự múc cơm ăn, tự vệ sinh tã lót, tự gội đầu, chỉ cần chúng tôi xối nước dùm  anh.

Anh rất thích soi gương, không biết có đúng không nữa, vì tôi để ý anh có một chiếc gương nhỏ, anh thường lấy ra để ngắm khuôn mặt anh. Những lúc như vậy mắt anh ánh lên những niềm vui, sự thích thú, được nhìn thấy mình trong mỗi giây phút của sự sống thật hạnh phúc biết bao!

Ngày đầu mới làm quen với công việc tôi rất sợ, rất lo lắng về những bệnh nhân HIV/AIDS. Có lẽ với nhiều người, họ là những người xấu, đáng sợ, đáng bị xa lánh. Nhưng khi đã hiểu rồi thì những bệnh nhân ở đây mỗi người mỗi hoàn cảnh và họ thật sự là những người hiền lành, đáng thương cần chúng ta giúp đỡ.

Cảm ơn anh Công đã cho tôi niềm tin, sự lạc quan vào cuộc sống. Anh xứng đáng là tấm gương sáng về nghị lực sống cho những bệnh nhân khác và tất cả mọi người noi theo.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Lệ Khuyên – Khoa Nội D