Bệnh viện Nhân Ái được thành lập theo Quyết định: 4856/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2006 của UBND thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Sở Y Tế.       Nâng tầm y đức, dấn thân vì cộng đồng.       Bệnh nhân AIDS đến với bệnh viện sẽ được chăm sóc, điều trị hoàn toàn miễn phí.
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI

Một số kỹ năng cần chia sẻ với người nhiễm HIV/AIDS

 HIV là vi rút gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, có nghĩa là nếu bạn nhiễm phải nó, khả năng chống bệnh tật của bạn sẽ bị suy yếu, dẫn đến cơ thể bạn sẽ mắc rất nhiều thứ bệnh mà điều trị không thể khỏi được. Trong bài viết này, chúng tôi không đi sâu về bệnh lý do HIV gây ra, mà chỉ đề cập đến tâm lý chung của người nhiễm HIV, bởi lâu nay mọi người đều biết: Chưa có loại thuốc nào trị được HIV!  

1. Giận dữ

Khi giận dữ, người ta thường đỏ mặt, nói to, tự hành hạ mình. Đôi khi trong trạng thái giận dữ, người có HIV còn có thể có hành vi bạo lực với người khác, quát mắng những những người xung quanh. Lúc này người nhiễm HIV thường cảm thấy bất yên, im lặng một cách bất thường và không muốn nhìn mọi người, đồng thời lúc nào trong đầu cũng luôn suy nghĩ là mình tức giận mọi người như tức giận với người đã lây nhiễm cho mình, cử chỉ của người khác tạo cho mình cảm giác bị kỳ thị, vì gia đình đã chối bỏ, không chấp nhận hoặc kỳ thị, thậm chí tự trách mình đã gây nhiễm cho người yêu, vợ, chồng hoặc con cái, hoặc làm khổ gia đình.

2. Lo lắng, sợ hãi và buồn bã trầm uất

- Nguyên nhân của sự lo lắng thường do: Lo sợ hàng xóm, bạn bè biết sẽ xa lánh, kỳ thị, sợ lây nhiễm cho gia đình, mất việc làm, mất hết niềm tin và thất vọng;

- Không có thuốc để điều trị, nếu có thuốc thì liệu có đủ tiền để mua thuốc điều trị suốt đời hay không, kết quả điều trị có hiệu quả không;

- Cảm thấy bế tắc, không có lối thoát do không có điều kiện để điều trị hoặc bị gia đình, người thân hay bạn bè thậm chí là bị người yêu bỏ rơi, v…v...

3. Cô đơn và tự kỳ thị với chính bản thân mình

- Người có HIV lúc đó thường cảm thấy cô đơn và vô vọng, xa lánh không muốn gần gũi hay đụng chạm, sử dụng đồ dùng chung.

- Cô lập, ở riêng trong gia đình, khu riêng trong bệnh viện...; sự bàn tán, nói xấu của cộng đồng, mất dần vị trí trong gia đình và xã hội; mất khả năng tiếp cận các nguồn lực cần thiết cho cuộc sống.

- Sự kỳ thị thường là bắt đầu khi các triệu chứng bắt đầu biểu hiện rõ hoặc khi bạn tình hoặc vợ, chồng của mình chết vì AIDS.

- Không có người để chia sẻ và tâm sự những lo lắng và suy nghĩ của mình và không ai hiểu mình, luôn có cảm giác mình là người thừa trong gia đình, do gia đình không quan tâm, cảm thấy có lỗi với bản thân, có lỗi với gia đình vì mình sống buông thả hoặc không cẩn thận nên đã gây ra gánh nặng cho gia đình và người thân.

Với những tâm lý chung mà tất cả người nhiễm HIV ai cũng mắc phải thì người có HIV và những người thân, người chăm sóc cần phải làm những gì để xoá bỏ những suy nghĩ về sự cô đơn, lo lắng sợ hãi... để có một cuộc sống ngày càng tốt đẹp và có ý nghĩa hơn?

* Người có HIV nên làm gì?

- Người có HIV tốt hơn hết là nên chủ động vượt qua cảm giác tự kỳ thị, bi quan và cô đơn bằng cách tự hòa nhập vào các hoạt động của gia đình, bạn bè, cộng đồng và cơ sở làm việc để thấy rằng mình vẫn còn có ích cho gia đình và cộng đồng.

- Tìm người thích hợp để tâm sự về nỗi tức giận của mình (gia đình, bạn bè, những người mà mình tin tưởng và có thể thông cảm với mình). Tìm ra những ưu điểm, mặt mạnh và khả năng vốn có của mình và phát huy những ưu điểm đó để đóng góp cho gia đình và xã hội.

- Tìm hiểu thêm các thông tin, đến cơ sở tư vấn để được hướng dẫn cách phòng lây nhiễm cho những người xung quanh hoặc tìm đọc các tài liệu thích hợp để biết cách tự giữ gìn sức khoẻ cho bản thân, tăng cường khả năng miễn dịch và đề phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

- Tự xác định nguyên nhân của tình trạng trầm uất của mình và quyết định một giải pháp cho nguyên nhân gây ra trầm uất. Tìm gặp những người có thể hỗ trợ mình trong việc giải quyết các nguyên nhân gây trầm uất cho mình để yêu cầu giúp đỡ, sau khi đã cố gắng tự giải quyết mà vẫn không thoát khỏi tình trạng trầm uất thì cần đến bác sĩ để được điều trị. Cần giải quyết sớm các nguyên nhân đã gây nên trầm uất cho mình để tránh bị trầm uất trở lại.

- Tìm đến các cơ sở y tế, phòng tư vấn, các tổ chức câu lạc bộ của những người nhiễm để được tư vấn cho những lo lắng của mình. Tham gia vào các hoạt động thể lực và giao tiếp với mọi người tránh để thừa thời gian dẫn đến những suy nghĩ và lo lắng không cần thiết.

- Bạn cũng cần chủ động hạn chế bớt một số hoạt động hoặc áp dụng các biện pháp phòng ngừa để không làm lây nhiễm HIV/AIDS cho người khác, ví dụ như khi có quan hệ tình dục phải dùng bao cao su và đặc biệt không nên có con. Bạn nên đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe, tránh bị cảm cúm hay các bệnh thông thường khác có thể làm cơ thể suy yếu. Định kỳ bạn nên đi khám sức khỏe để được điều trị sớm.

- Ngoài ra, bạn có thể tìm đến, và nên tìm đến những trung tâm tư vấn về HIV/AIDS. Ở đây có những người hiểu được những khó khǎn của bạn, có thể giúp bạn tìm cách khắc phục. Họ có thể giúp bạn vượt qua những cơn trầm cảm, những khi tuyệt vọng. Tìm đến với câu lạc bộ do một số người nhiễm HIV thành lập để cùng chia sẻ vui buồn và tương trợ nhau. Bạn có thể tìm đến đó. Rất hy vọng trong tương lai sẽ nhiều địa phương có được những câu lạc bộ như thế.

* Người hỗ trợ và chăm sóc nên làm gì?

- Quan tâm, chú ý đến người có HIV hoặc dành thời gian ở bên cạnh họ mặc dù họ có thể không muốn trò chuyện, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc đến người nhiễm HIV mặc dù họ không muốn chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình; lắng nghe một cách thông cảm, đảm bảo tính bí mật của các thông tin mà người có HIV nói, khích lệ người có HIV nói về cảm xúc của mình. Hỗ trợ về mặt tinh thần cho người nhiễm để họ có thể giải quyết các vấn đề của mình.

- Hỗ trợ về mặt tinh thần bằng cách cung cấp thông tin về các tiến bộ trong điều trị và chăm sóc cũng như thông tin về các hoạt động của những người nhiễm khác, khuyến khích người nhiễm gặp gỡ, trao đổi và tham gia các hoạt động cùng những người nhiễm khác theo mô hình câu lạc bộ hoặc các nhóm đồng đẳng.

- Tìm hiểu nguyên nhân của sự giận dữ từ đó mà tìm cách khuyên giải, tạo mọi cơ hội để nguời có HIV nói về nỗi tức giận của mình, điều này thường giúp làm tiêu tan nỗi giận dữ. Cố gắng cho thấy rằng bạn hiểu tình cảnh của người ấy bằng cách nói ra. Khi người có HIV ở trong trạng thái bình tĩnh thì người chăm sóc nên có những cử chỉ, hành động khuyến khích họ ra khỏi sự sợ hãi, lo lắng, xác định nguyên nhân gây nên sự sợ hãi và cùng họ tìm giải pháp cho những nguyên nhân đó.

- Tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng trầm uất và hỗ trợ một cách tốt nhất để giải quyết. Sau khi đã tìm cách giúp đỡ mà người nhiễm vẫn không thoát khỏi tình trạng trầm uất thì nên đưa họ đến một chuyên gia tư vấn về tâm lý hoặc bác sĩ tâm lý để được chăm sóc và điều trị thích hợp về mặt chuyên môn.

- Tìm hiểu nguyên nhân của sự kỳ thị, giúp người có HIV suy nghĩ một cách tích cực, các thành viên trong gia đình cần tỏ rõ sự thông cảm và đón nhận người có HIV, coi người đó như một người bình thường. Tuy nhiên, cần chú ý sự quan tâm thái quá đôi khi làm cho người nhiễm HIV cảm thấy tự kỳ thị, gợi ý các hoạt động mà có thể làm cho người có HIV không còn chỉ nghĩ đến nỗi sợ hãi/lo lắng của mình.

- Điều quan trọng nhất là người chăm sóc cũng như người bệnh cần thường xuyên theo dõi và phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng cơ hội để đi khám và được điều trị kịp thời. Cần quan tâm đến nghỉ ngơi hợp lý, chế độ ăn uống, vì cơ thể của người có HIV cần rất nhiều đạm và năng lượng để chống đỡ với vi rút gây suy giảm hệ miễn dịch dẫn đến sức đề kháng của cơ thể người nhiễm HIV yếu mệt, bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc các tác dụng phụ của thuốc. Do vậy người nhiễm HIV cần có một chế độ về ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và an toàn là rất quan trọng.

 Theo Trung tâm PC HIV/AIDS tỉnh Kon Tum

(P.KHTH sưu tầm)