Bệnh viện Nhân Ái được thành lập theo Quyết định: 4856/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2006 của UBND thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Sở Y Tế.       Nâng tầm y đức, dấn thân vì cộng đồng.       Bệnh nhân AIDS đến với bệnh viện sẽ được chăm sóc, điều trị hoàn toàn miễn phí.
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI
NHAN AI

Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm HIV

Lợi ích của dinh dưỡng đầy đủ cho người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS nhằm giúp cho bệnh nhân đủ các chất dinh dưỡng, duy trì được cân nặng, tăng miễn dịch, cải thiện khả năng chống lại HIV, giảm tần suất và làm ngắn thời gian mắc các bệnh nhiễn trùng cơ hội và làm chậm tiến triển sang AIDS...

 1. Nhu cầu protein:

Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, nhu cầu protein khẩu phần đối với người khỏe mạnh không nhiễm HIV và người nhiễm HIV là 12-15% tổng số năng lượng khẩu phần. Tuy vậy, về số lượng protein trong khẩu phần người nhiễm HIV cao hơn người không nhiễm HIV vì tổng năng lượng khẩu phần cho người nhiễm HIV cao hơn người bình thường tùy theo giai đoạn của HIV hay giai đoạn sau (giai đoạn AIDS).

 2.  Nhu cầu chất béo:

Chất béo khẩu phần là nguồn tốt cung cấp năng lượng cao. Người nhiễm HIV cần sử dụng dầu và mỡ để đạt được nhu cầu năng lượng cần thiết trong trường hợp không bị tiêu chảy, kém hấp thu mỡ. Nhu cầu khuyến nghị về cân đối chất béo cho người nhiễm HIV không khác so với người không nhiễm HIV và chiếm 20-25% tổng số năng lượng khẩu phần. Tuy vậy, về số lượng chất béo trong khẩu phần người nhiễm HIV cao hơn so với người không nhiễm HIV vì tổng năng lượng khẩu phần cao hơn.

3. Nhu cầu các vitamin và chất khoáng:

Các vitamin và chất khoáng đóng vai trò quan trọng đối với tăng cường khả năng miễn dịch cho người nhiễm HIV.  Người nhiễm HIV thường bị thiếu các vitamin như A, C, E, B6, B12, acid folic và các chất khoáng như kẽm, sắt, selen vì bị mất quá mức qua bài tiết nước tiểu và phân. Cung cấp đủ các vitamin và chất khoáng này có thể giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, nhu cầu vitamin và chất khoáng của người nhiễm HIV không thay đổi so với người bình thường nhưng cần phải bổ sung đa vi chất khi khẩu phần thường không đáp ứng được nhu cầu. Để đạt được nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng, người nhiễm HIV cần:

 - Ăn đủ về số lượng, ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm. Chia nhỏ bữa ăn và ăn thành nhiều bữa để đạt tối đa năng lượng khẩu phần, đặc biệt khi ăn không ngon miệng.  

- Ăn thức ăn giàu chất dinh dưỡng đặc biệt thực phẩm tăng cường các chất dinh dưỡng thiết yếu như sắt, kẽm và vitamin nhóm B...

4. Các nhóm thực phẩm:

Nguồn thực phẩm sử dụng cho người nhiễm HIV được chia thành các nhóm như sau: Nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng - Tinh bột: Các loại ngũ cốc (gạo, mỳ, ngô,…) và khoai củ cung cấp tinh bột và là nguồn năng lượng chính trong khẩu phần. Những lương thực này và sản phẩm của nó thường sẵn có, dễ tiếp cận và có khả năng cung cấp thường xuyên.

- Mỡ và dầu: Mỡ và dầu là nguồn năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với những người cần thêm năng lượng để tăng cân. Mỡ và dầu cung cấp gấp hơn 2 lần năng lượng so với tinh bột đường. Chúng làm tăng cảm giác ngon miệng bởi mùi thơm ngon và cũng là nguồn cung cấp hay hòa tan các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K. Tuy nhiên, nếu dùng quá nhiều chất béo có thể dẫn tới béo phì hay các bệnh tim mạch. Những người nhiễm HIV có rối loạn chuyển hóa chất béo, mắc tiêu chảy thì nên hạn chế chất béo. Nhóm thực phẩm cung cấp Protein (chất đạm) Protein được cung cấp từ 2 nguồn:

+ Nguồn động vật: các loại thịt, trứng, sữa, và các chế phẩm của sữa. Đây là nguồn đạm chất lượng cao. Nếu có điều kiện nên ăn thường xuyên.

+  Nguồn thực vật: các loại đậu đỗ, vừng, lạc. Đây là nguồn cung cấp chất đạm tốt, thậm chí hàm lượng đạm từ đỗ tương cao hơn thịt. Tuy nhiên, nên ăn phối hợp với đạm động vật để tăng giá trị dinh dưỡng. Nhóm thực phẩm cung cấp các vitamin, khoáng chất: Các thực phẩm giàu vitamin và chất khoáng như trái cây và rau, củ. Ngoài ra, chúng còn là nguồn chất xơ dồi dào phòng chống táo bón. – 

- Vitamin A: có vai trò quan trọng đối với chức năng thị lực, tăng khả năng miễn dịch, bảo vệ sự toàn vẹn của da và niêm mạc. Các nguồn thức ăn có nhiều vitamin A là rau lá có màu xanh đậm, rau củ và quả chín có màu vàng, cam và đỏ như rau muống, rau ngót, rau bí, rau giền, bí đỏ, bầu, cà rốt, quả đào, quả mơ, đu đủ, cam, xoài chín, khoai nghệ và có nhiều trong lòng đỏ trứng và gan.

 - Vitamin C: giúp bảo vệ cơ thể tránh mắc các bệnh nhiễm trùng và giúp phục hồi sau bệnh, có nhiều trong các loại quả như cam, bưởi (đặc biệt là bưởi ngọt), nho, chanh, quýt, ổi, xoài, nhãn; các loại rau củ như rau ngót, cà chua, bắp cải, khoai tây,…

 - Vitamin E: giúp bảo vệ tế bào và tăng sức đề kháng. Thực phẩm có chứa nhiều vitamin E là rau lá có màu xanh, giá đỗ, các loại rau mầm, dầu thực vật, lạc và lòng đỏ trứng.

- Vitamin nhóm B: cần thiết để duy trì hệ miễn dịch và hệ thần kinh khỏe mạnh. Nguồn chứa nhiều vitamin nhóm B là đậu đỗ (hạt), khoai tây, thịt cá, dưa hấu, ngô, lạc, quả lê, súp lơ, rau má. Lưu ý, những người nhiễm HIV đang điều trị lao cần bổ sung và ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B6 (gan, đậu đỗ...)

 - Sắt: cần thiết cho quá trình tạo máu và hệ miễn dịch. Các nguồn thực phẩm có nhiều sắt là rau lá có màu xanh đậm như rau ngót, rau muống, rau cải xoong, hạt có dầu, ngũ cốc nguyên hạt (gạo lức); các loại quả có màu vàng, da cam như xoài, đu đủ, cam... và các loại thịt có màu đỏ như thịt bò, thịt nạc, tiết, gan, cá, hải sản và trứng; trái cây khô (nhãn, vải), kê, đậu đỗ (đặc biệt là đỗ tương).

 - Selen: là khoáng chất quan trọng vì nó kích thích hệ miễn dịch. Nguồn thực phẩm nhiều selen là bánh mỳ, ngô, kê; sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, pho mát, bơ. Thịt, cá, gia cầm, trứng, lạc và đậu đỗ là nguồn giàu protein nhưng cũng là nguồn selen tốt.

 - Kẽm: đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch. Thiếu kẽm làm giảm ngon miệng, tăng nguy cơ nhiễm trùng cơ hội và kéo dài thời gian mắc bệnh. Các nguồn thực phẩm giàu kẽm là thịt, cá, gia cầm, các loại nhuyễn thể (nghêu, sò, cua, ốc, hến...), ngũ cốc nguyên hạt, ngô, đậu, lạc, sữa và các sản phẩm từ sữa.

-Chất xơ Chất xơ đóng vai trò quan trọng tác động đến nhu động ruột, giúp mang lượng lớn thức ăn và vận chuyển nó qua đường tiêu hóa. Có hai dạng chất xơ: hòa tan và không hòa tan. Chất xơ hòa tan có nhiều trong các loại trái cây, có tác dụng kéo các chất cặn bã ra khỏi đường ruột rồi đẩy ra ngoài. Chất xơ không hòa tan kích thích nhu động ruột đều đặn và phòng táo bón. Những người mắc tiêu chảy nên tránh chất xơ không tan vì nó làm tình trạng tiêu chảy trầm trọng hơn. Nước Nước chiếm hơn 70% trọng lượng cơ thể, trẻ càng nhỏ tỷ lệ nước càng cao và đóng vai trò quan trọng trong các chức phận của cơ thể. Cơ thể mất nước qua hơi thở, mồ hôi, nước tiểu và phân, đặc biệt khi bị sốt và tiêu chảy. Vì vậy cần được bù nước thường xuyên. Nước uống phải sạch và đun sôi khi sử dụng.

-Người nhiễm HIV không nên uống trà và cà phê vì làm giảm hấp thu sắt và gây khó ngủ.

 5.  Nhu cầu năng lượng:

Ở người nhiễm HIV nhu cầu về năng lượng sẽ tăng lên. Vì vậy, người nhiễm HIV cần ăn nhiều hơn bình thường nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Ở người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS nhu cầu về năng lượng sẽ tăng lên. Vì vậy, người nhiễm HIV cần ăn nhiều hơn bình thường  nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Nhu cầu năng lượng của người nhiễm HIV tăng lên và phụ thuộc vào các giai đoạn tiến triển của bệnh:

- Người nhiễm HIV chưa có triệu chứng: nhu cầu năng lượng tăng 10% so với nhu cầu khuyến nghị cho người khỏe mạnh không nhiễm HIV cùng tuổi, giới và hoạt động thể lực (tương đương với ăn thêm 1 miệng bát cơm với thức ăn hợp lý hoặc thêm 1 bữa phụ).

 - Người nhiễm HIV có triệu chứng: nhu cầu năng lượng tăng 20-30% so với nhu cầu khuyến nghị cho người khỏe mạnh không nhiễm HIV cùng tuổi, giới và hoạt động thể lực (tương đương với ăn thêm 2-3 miệng bát cơm và thức ăn hợp lý; hoặc thêm 2-3 bữa phụ).

 - Người lớn nhiễm HIV có triệu chứng và có mắc nhiễm trùng cơ hội cần ăn tăng thêm 50% năng lượng so với người không bị nhiễm HIV cùng tuổi, giới và hoạt động thể lực.

- Trẻ em bị nhiễm HIV: Chưa có triệu chứng (tăng 10% năng lượng để duy trì sự phát triển), có triệu chứng (tăng 20%–30% năng lượng để phát triển), sút cân (tăng 50% năng lượng) so với trẻ không bị nhiễm HIV cùng tuổi và giới.

                                                                                                        Khoa Dược sưu tầm

                                                                                                             Theo Báo Cẩm nang Gia đình